giỏi giang

Ông Pháp Đàn mời trà.

“Cụ Hinh à, tôi thấy nhiều người Việt rất giỏi.”

“Bác cho ví dụ ạ.”

“Cô bạn gái Việt của tôi, các ý tưởng của cô ấy luôn luôn được nhân lên, nhân lên bạt ngàn, dẫu là đôi khi chúng cũng không rõ rành lắm. Rồi các cô bạn của ấy nữa chứ, cũng tài tình như thế.”

“Về triết học, một thuộc tính, ‘giỏi giang’ chẳng hạn, phải là nằm trong một quan hệ của các sự vật.”

“Vâng, đúng rồi, họ giỏi giang là trong tương quan với trình độ của tôi, trong các vấn sự đang được suy xét ạ.

..Hay là.. hay là Cụ Hinh nghi ngờ trình độ chung của tôi chăng..?”

“Dạ, không đâu ạ.”

“Với lại, khi qua xứ Việt, tôi hay ra đầu đường mua xôi ăn buổi sáng, ngon lắm.

Các tờ giấy gói xôi ấy mà, thường là các bản giấy bài tập làm văn của các học sinh, mà toàn được chấm điểm chín điểm mười trên mười! Rõ ràng là các bạn học sinh rất giỏi mà.”

bản sắc


 ☽ 


Cụ Hinh ghé thăm hai bác Vối, rồi lại được dùng cơm cùng. Cũng phải đến hơn mười năm nay mới có dịp ngồi cùng mâm với nhau. 


**


Bác Vối trai nhăn mặt khi cắn miếng cá “mặn quá! ». 
“Mặn đâu mà mặn! Người đâu không biết ăn thì có!” — bác Vối gái nghiêm nghị, như nữ tướng phất cờ khởi nghĩa. 
Tình hình có vậy, mà căng cứng. 

**


Hồi lâu sau, bác Vối gái quay sang « Cụ Hinh là khách, nhìn từ khách, khách quan xem nào? »
Cụ Hinh từ tốn.
« Tôi nhớ là trong bữa cơm hơn mười năm trước, hai bác đã tranh luận đúng như thế này.
Tôi nghĩ mình cứ nấu nướng thật nhạt. Sau đó, mỗi người tự pha chế lấy bát nước chấm riêng cho mình. Vậy là vừa vệ sinh, vừa hợp khẩu vị, lại hết phải tranh luận động giời về chuyện này ạ. »
Hai bác Vối nhìn nhau, nhìn Cụ Hinh, lại nhìn nhau.. rồi chợt cùng thở dài bất giác đồng thanh « thế, thì còn gì là bản sắc Việtnam nữa?! »

bàn làm việc

Ghé thăm nhà, Cụ Hinh được anh Ti mời trà.

“Cụ Hinh à, em thấy nói nhiều vĩ nhân cuối cùng chết trên bàn làm việc.”

“Vâng, tôi cũng có đọc thấy, tuy là chưa chứng kiến trực tiếp.”

“Em, em cũng muốn cuối cùng mình sẽ chết trên bàn làm việc.”

“Có thể chứ.”

“Nhưng bàn làm việc phải là ở công sở, hay là ở nhà cũng được ạ?”

“Chắc là ở đâu cũng được.”

“Có người em thấy thích nằm ngủ trên bàn, thế cũng tiện.”

“Ừ, tập giữ thăng bằng trong khi ngủ, cũng là thể thao à.”

“Nhưng mà mình có khi cũng phải tập trước.. Chết ở tư thế nào cho đẹp ạ.”

“Cái đấy, tôi chịu.”

“Mà bàn làm việc có phải có chuẩn mực ít ra như thế nào không ạ?”

“Anh Ti hỏi khó quá..

Tuỳ xứ. Có xứ thì có rất nhiều kiểu bàn làm việc. Có bàn làm việc cho cưa xẻ, sửa chữa hay đóng mới đồ đạc. Có bàn làm việc cho bếp núc, đỡ phải ngồi xổm ê chân hại đũng quần, để mà nhặt rau vo gạo rửa bát chặt xương. Có bàn để viết lách họp hành..”

“Cái bàn cuối cùng ấy, em sẽ tập rồi nhờ Cụ Hinh xem thử nhé.”

ảo tưởng, cho mình, cho người

Ảo tưởng, đầu tiên là “cho mình”.

Mỗi cá thể nhỏ bé đơn độc cũng cần có chút ít — đôi khi thì quá nhiều — ảo tưởng về chính mình để cho mình một sức liều. Thấy mình là “rất quan trọng” tất nhiên sẽ dẫn đến những hệ quả như “tổ tiên mình rất quan trọng”, “họ hàng nhà mình siêu quan trọng”, “cộng đồng của mình là vô địch”, vv.

Ảo tưởng “cho mình” chưa nguy hại nhiều lắm, bằng chứng là bạn Aku của bác Lỗ cũng không gây hại nhiều cho ai.

Dừng ở đó, tạm ổn.

Nhưng nhiều người khác thì không dừng ở đó, mà lại đi giảng thuyết các ảo tưởng của mình “cho người”, càng đông càng tốt. Các thày tu là một điển hình, nhưng người thường cũng không thiếu, họ say mê truyền tuyên ảo tưởng với lòng vị tha “cho người”.

Lớp học nâng cao

Hìm là cô giáo trẻ vùng cao sâu xa. Hìm được gửi đi học lớp nâng cao lập trường ở huyện thị, do có nhiều thành tích tốt trong công việc.

Bài giảng từ sáng đến quá nửa chiều của thày Lường về “Các mối quan hệ” làm Hìm cau mày suốt cả ngày. Đến phần hỏi đáp, Hìm mạnh dạn.

“Em hơi khó hiểu về nhiều kiến thức thày cho ạ. Ví dụ đơn giản, quan hệ của thày với em có là mối quan hệ bện trứng không ạ?”

Thày Lường ngây ra một phút..

“Không phải. Quan hệ bện trứng, về lập trường, phải là giữa những người có quan hệ tình cảm riêng tư đặc biệt.”

“Em thấy cả buổi sáng đến giờ thày giảng mãi về quan hệ bện trứng mà.”

“A.. đấy là quan hệ biện chứng! Cái đấy thì bình thường, tức là thày với Hìm có quan hệ biện chứng, nghĩa là quan hệ bình thường tốt à.

nghĩ ngợi non trẻ



Mỵ Châu hỏi “thế nào là nghĩ ngợi non trẻ ạ?”

“Nghĩ ngợi kiểu tuyệt đối, bao biện, đầy cảm xúc.”

“Tức là với những người trẻ?”

“Tuỳ thôi.

Người U100 cũng có thể vẫn nghĩ ngợi non trẻ. Nhiều nhà truyền giáo vẫn mê nghĩ ngợi non trẻ. Và những cộng đồng đã có hàng ngàn năm tuổi cũng có thể mãi quen nghĩ ngợi non trẻ.”

“Có khi.. Cụ Hinh cũng hay nghĩ ngợi non trẻ đấy nha.”

biết trước


Trương Phi là người siêu khoẻ, tục truyền có lần giữa đám ba quân quát lên một tiếng mà làm cho một tướng địch giật mình ngã nhào xuống ngựa.

Thế nhưng khi gặp riêng thì Phi lại rất khiêm tốn, hơi bẽn lẽn, thích xưng là “em”.

**

Lần thưởng trà nọ, Phi bảo.

“Khoẻ đến mấy ai rồi cũng sẽ đến lúc đổ bệnh mà chết, nếu không phải là chết trận chết kẹt xe Cụ Hinh nhỉ.”

“Vâng, điều lạ lùng không phải là cái chết, mà là mình đang còn sống đây.”

“Em chỉ tò mò là sau khi chết thì cái gì sẽ xảy ra với mình?”

“Tôi thấy người ta vẫn nói chuyện được với người đã chết thông qua mấy bà đồng cốt mà.”

“Ơ hay quá.. đầu phố nhà em có bà đồng cốt nổi tiếng, để có gì em qua hỏi bà ấy luôn. Có khi bà ấy đã biết trước là sau khi em chết bà ấy sẽ thay mặt em nói chuyện như thế nào với những người quen của em rồi nhỉ! Cảm ơn Cụ Hinh đã sáng kiến ạ!”

câu chuyện phụ âm

Tiếng Việt vốn tương đối giàu có về phụ âm.

Người Việt có “h” để nói “hello Hànội” chứ không đành phải phát âm như “khanoi” (russkiy) hay “anoi” (francais), “đồng bào” chứ không “tông pao” (chinese).. (ngược lại, tiếng Việt thiếu “p”, người trong nam “mời bác ăn bom nhé”.. hoá ra là mời quả pomme (táo, francais) ).

Sự giàu có phụ âm cần được gìn giữ, nó cho phép mô tả tinh tế sự vật.

– giòng chảy mạnh mẽ: giòng (sông), giòng suy nghĩ, giòng văn

– nhỏ giọt, yếu ớt hơn: mồ hôi ròng ròng

– hình ảnh mảnh mai: dòng theo dấu vết, dòng dọc

hoặc như:

– mạnh mẽ: cơn giông sập đến

– ngúng nguẩy khó quản: mặc cái quần lụa rộng này, em thấy cứ như là nó được thả rông ý

– bâng quơ vô định (biến thể của rông): lông dông ngoài phố suốt ngày

**

Vì lí do lịch sử, người đồng bằng ngoài bắc chiếm số đông trong dân cư cả nước, và họ lại giữ phần nhiều những vị trí quan trọng trong toàn bộ xã hội. Thế nhưng họ lại “ngọng” nhiều phụ âm biểu diễn năng lượng mạnh mẽ như là ‘tr, gi, r, s”. Cứ “tr” là thành “ch”, “gi, r” là thành “d”, “s” thành “x”. Điều này là một nguy cơ về chính tả trên các mặt sách báo.

**

Kể chuyện, có khi tôi gửi bài thì biên tập viên báo nọ tự tin nhất định sửa “gi” nọ thành “d” này luôn!

Đến khi đọc bài báo đã in, mình báo lại, thì cô ấy thốt lên..

“Chời ơi, thế thì hoá da em diết anh mất dồi à? Ôi xợ quá!”

chuyện đại nhân

☀︎☼☽☁︎

Bác Lộng là người viết nhiều truyện về các đại nhân.

Thời lâu lâu rồi, truyện của bác thường bắt đầu bằng “..thuở nhỏ, người thường đi chăn trâu, rồi vào rừng hái củi đem bán kiếm sống..”.

Trong một dịp ra mắt một tập truyện, người dự nọ phát biểu góp ý rằng “bây giờ rừng hiếm lắm, không dễ mà vào rừng hái củi đem bán đâu ạ”.

“Thế thì trẻ nghèo kiếm sống ra sao?”

“Ví dụ, đi bán báo ạ.”

Sau bữa đó, các truyện của bác Lộng thường bắt đầu bằng “..thuở nhỏ, người thường đi bán báo kiếm sống..”.

**

Lâu rồi Cụ Hinh mới có dịp gặp lại bác Lộng.

Chuyện trò đông tây, rồi cũng có lúc ướm hỏi “lâu nay hình như không thấy bác Lộng viết nhiều truyện về các đại nhân”.

“Vâng, ít nay tôi được biết là không mấy ai đọc báo giấy nữa, và bọn trẻ thì không đi bán báo internet được để kiếm sống ạ.

Mà vì không có câu mở đầu, thì thành ra không biết viết thế nào được nữa, khổ quá..”