Ý tứ bạn đọc với Lòng Người Mênh Mang

(sưu nhặt trên Internet)

Loan Nguyễn
đến từ Hồ Chí Minh

(4 tuần trước)
Mênh Mang
Đã mua cuốn sách này từ 1 năm trước

Cuốn này chưa đọc xong và đã cất kĩ trong ngăn tủ. Mua vì cái tên Lòng người mênh mang của sách. Mà ko tìm hiểu kĩ về tác giả, về nội dung sách.
Quả thật sách làm lòng mình mênh mang 😀
ko dám đọc nhiều, chỉ khi nào cảm thấy thật bình yên mới đọc, để tự tạo gợn sóng trong lòng mình. Cách viết khá mộc mạc, từ ngữ ko gắng trau chuốt chọn lọc như những tác giả mới và trẻ sau này, nhưng rất thấm.
Mình nghĩ ai thích cuốn sách này đều là những người đã CŨ. Nên mình vẫn giữ nguyên nó trong ngăn tủ của mình mà ko share cho bất kì ai

Centaurs Vizi
đến từ Hồ Chí Minh

(1 tháng trước)
Vừa Đọc Vừa Ngẫm
Đã mua cuốn sách này từ 3 tháng trước

đây không thể là một quyển sách chỉ đọc một lần rồi cất đi được. Phải vừa đọc vừa ngẫm. Đôi khi tôi đọc vẫn chưa hiểu ý tác giả muốn nói gì, bởi tác giả không viết câu truyện để hiểu một cách rõ ràng. Bạn đọc, không hiểu, rồi một hôm chợt nhận ra ý nghĩa của câu truyện – với tôi không có gì thú vị hơn điều này. Thế nhưng với nội dung với cách viết hơi khó hiểu thế này thì dễ gây nản lắm. Tôi đã nản ngay khi đọc xong vài mẩu truyện đầu. Bẵng đi một thời gian đọc lại, ngẫm nghĩ tôi mới thấy hứng thú. Chất lượng sách chỉ thuộc loại khá thôi. Nhưng chất lượng cuốn sách không ảnh hưởng đến nội dung . Mong nhiều bạn đọc sẽ tìm đến nó.

Halley Tặc
đến từ Hồ Chí Minh

(2 tháng trước)
Hợp Với Những Người Nội Tâm :)) Giống Mềnh
Đã mua cuốn sách này từ 1 năm trước

Một lần đọc là một lần thấm, chợt nhận ra nhiều điều khác nhau. Cất quyển sách rồi mà vẫn thấy tức, lôi ra đọc lại, nghiền ngẫm lúc đó mới thấm, mới ah “thì ra là vậy”, cuốn sách này đọc để nghiền ngẫm, tác giả không nói hoạch toẹt ra mà để đọc giả tự đọc mà rút ra ý nghĩa của từng tản văn. Tuy nhiên, cái thấm ở đây cũng tùy vùng miền nữa, tác giả dùng nhiều bối cảnh ở miền bắc hơn cho nên người miền nam cũng hơi khó thấm, nhưng thấm rồi lại thấy nó hay, muốn đọc đi đọc lại nhiều lần. Là một cuốn sách đáng để đọc.

Mai Khánh
đến từ Hồ Chí Minh

(6 tháng trước)
Một Cuốn Sách Mà Người Trẻ Nên Đọc
Cuốn sách hay và mới lạ, mà theo tôi, những người trẻ rất nên đọc.
Những góc nhìn tuy giản dị nhưng sâu sắc của tác giả khiến cho những vấn đề cuộc sống không chỉ được nêu ra mà còn được đào sâu phân tích, được đưa ra những phương hướng, ý tưởng qiải quyết.
Thể loại của cuốn sách khá lạ, nhưng phù hợp. Phù hợp với mạch tư duy, cảm nhận một vấn đề. Phù hợp để dẫn dắt người đọc vào một câu chuyện. Phù hợp với sự giản dị trong văn phong của tác giả.
Nói chung, người trẻ rất nên đọc, để cảm nhận cuộc sống một cách chậm hơn, giản dị nhưng sâu sắc hơn, chi tiết hơn.

Lê Trần Diễm Thi
đến từ Hồ Chí Minh

(7 tháng trước)
Lạ
Tôi mua quyển này từ khi mới phát hành, bị ấn tượng ngay bởi bìa sách và bốn chữ “tản bút tùy văn”. khi đọc được vài trang, tôi đã nghĩ “chẳng hiểu ông tác giả viết gì nữa?” và tức tối gấp sách lại. nhưng gần đây, tình cờ dọn sách và thấy quyển này, tôi bèn đem ra đọc lại, đọc thật chậm, từng câu, từng chữ và chợt nhận ra câu trả lời, “ờ, ông tác giả này chỉ viết những cái rất đơn giản, đơn giản đến mức người ta vẫn gặp, vẫn thấy hằng ngày mà không hề nhận ra”. Rồi tôi chợt nhớ đến một câu “một quyển sách chỉ hay khi bạn muốn đọc nó”. có lẽ từ đây tôi sẽ không bao giờ vội vàng kết luận một quyển sách hay hoặc không hay qua vài trang đầu tiên. tuy nhiên có một nhược điểm là giấy không tốt, quá mỏng và chữ cũng khá nhỏ.

Trần Minh Tuấn
đến từ Hồ Chí Minh

(9 tháng trước)
Phải Đọc Nhiều Lần
Đã mua cuốn sách này từ 1 năm trước

Truyện đa phần gồm nhiều tản văn sử dụng lối tu từ ẩn dụ rất nhiều. Người đọc mới đọc lần đầu dễ hoang mang, chán vì không hiểu nội dung tác giả muốn nói là gì. Và ngay từ phần hiệu đính ban đầu thì tác giả đã khuyên người đọc nên đọc mỗi lúc một vài truyện chứ không nên đọc hết một lèo. Một câu truyện có thể đọc đi đọc lại nhiều lần, mỗi lần chúng ta có thể ngộ ra những điều thú vị, mới mẻ khác nhau.
Và chuyện tôi thích nhất trong quyển sách này là Romeo & Juliet, rất giống như trường hợp bản thân đã trải nghiệm qua.

Đinh Công Hợp
đến từ Hồ Chí Minh

(10 tháng trước)
Sách Không Hay – Nhưng Rất Hay
Đã mua cuốn sách này từ 10 tháng trước

Sở dĩ tôi nhận xét sách không hay – nhưng hay bởi vì:
Cái thể loại tản văn tùy bút này khá mới mẻ, chả biết nó thuộc thể loại gì, đọc qua một lượt đầu của cuốn sách, sau khi gập lại cất lên kệ sách, tôi vẫn chưa biết mình vừa đọc cái gì xong nữa – tức, đúng là tác giả bị hong khô trong logic toán học rồi bị bỏ lò tiếp nối trong công nghệ thông tin thành ra lời văn của tác giả nó mới như thế, mình thuộc thế hệ 9x cho nên đọc lần đầu không hiểu cũng đúng thôi,
Cất quyển sách rồi mà vẫn thấy tức, lôi ra đọc lại, nghiền ngẫm lúc đó mới thấm, mới ah` “thì ra là vậy”, cuốn sách này đọc để nghiền ngẫm, tác giả không nói hoạch toẹt ra mà để đọc giả tự đọc mà rút ra ý nghĩa của từng tản văn.
Tuy nhiên, cái thấm ở đây cũng tùy vùng miền nữa, tác giả dùng nhiều bối cảnh ở miền bắc hơn cho nên người miền nam cũng hơi khó thấm, nhưng thấm rồi lại thấy nó hay, muốn đọc đi đọc lại nhiều lần
Là một cuốn sách đáng để đọc

Thật tiếc, sách được in với chất lượng giấy khá tệ, giấy mỏng đến nỗi nhìn thấy chữ ở trang sau, cứng đến nỗi lật trang cũng khó vì khổ sách nhỏ và cầm nặng tay, chữ in thì nhỏ nên đọc khó, nếu chất lượng giấy được cải thiện thì tốt.

khiêm tốn

Mỵ Châu hỏi chuyện.

“Khiêm tốn, tức là cúi mình nhường nhịn, phải không Cụ Hinh?”

“Khiêm tốn, trước hết là phát hiện ra, hiểu ra ai khác giỏi giang hơn mình ở việc nào đó, và học theo, hợp tác cùng họ.”

“Ôi, không thể đơn giản hơn thế ư?”

“Đơn giản chứ.
Mình muốn phát hiện một mùi gì đó, mình phải hiểu ra rằng một bạn chó có khả năng thính mùi hơn ta một trăm ngàn lần, và mình phải biết học theo bạn ấy, cộng tác cùng bạn ấy.”

vô vi

Nhâm nhi tách trà, Anh La bảo.

“Với những người bị chập cheng, mình phải rộng lòng với họ Cụ Hinh ạ.”

“Vâng.. cơ mà lý do là sao ạ?”

“Họ bị chập cheng, nghĩa là không phải họ chủ động chập cheng, mà đấy là lỗi sinh học của tạo hoá, chính tạo hoá mới là kẻ bị trách nhiệm.”

“Ôi cảm ơn Anh La. Thế với những người suy nghĩ không chập cheng thì sao?”

“Họ là những người phải tự chủ về suy nghĩ của mình, vì chính là họ nghĩ, chứ không còn là chập cheng phát tiết nữa ạ.”

“Thích quá nhỉ, bị chập cheng, hoá ra là tự do.”

Anh La đặt chén trà xuống, ngắm đỉnh núi xa xăm.

“Vâng, đó chính là vô vi đấy ạ.”

tự hào

Giờ giải lao tại cuộc hội thảo “Hùng Cường Trở Lại” tại Viện Trừutượnghọc, Mỵ Châu mời Cụ Hinh càfé.

“Em thấy bài tham luận nào được đọc từ sáng đến giờ cũng chi chít chữ tự hào.. tự hào lắm.. tự hào ơi.. Tự hào thì là tốt, hay không tốt hả Cụ Hinh?”

“Mỵ Châu ạ,
nếu mình hiểu biết sự việc, tự hào là điều bình thường,
nếu mình ngơ ngẩn ẫm ơ, tự hào là điều khốn cùng.”

Muốn Sống Thế Nào

Ông Đô khai mạc cuộc Hội Thảo tại Viện Trừu Tượng học vể “Muốn Sống Thế Nào: mô hình xã hội”. Anh La được mời lên đặt vấn đề cho cuộc thảo luận.

“Tóm tắt lại, chúng ta có bốn mô hình cơ bản để lựa chọn : sợ hãi, chán ngắt, không buồn không vui, và vui vẻ.” -Anh La chốt lại. “Xin mời bà con nhiệt tình hội thảo!”

~~

Bà Tãi nghệ nhân bán phở phát biểu ngay.
“Sợ hãi là tốt. Tôi mà xểnh ra là ông chồng tôi không sợ gì nữa, công việc bị bỏ bễ ngay, và các nhân viên của tôi mà thấy ông ấy bỏ bễ việc thì họ cũng chểnh ngay nốt. Cuối cùng là khách hàng thiệt thòi, xã hội mất trật tự. Tôi ủng hộ xã hội sợ hãi nhưng đi kèm trí khôn.”

Ông Nghê hưu trí giơ tay.
“Ai không thích chứ tôi thích xã hội chán ngắt, khi ấy không còn nạn hăm hăm hở hở lao xe trên vỉa hè, tụ tập đám đông hô Vina vô địch mặc dù vừa thua trận, chĩa loa mở hết cỡ ra phố thi hét karaoke. Phố phường cứ vắng vẻ lơ đơ triệu phú thời gian như ngày xưa, tôi ủng hộ xã hội chán ngắt được như thế.”

Cụ Rông phát biểu.
“Không vui không buồn là đạo. Tu giời cũng chỉ là để đi đến được chỗ đó. Buồn với vui là hai thứ dây, dây giật và dây co, lôi kéo người ta làm những thứ phí phạm vô tích sự và đôi khi nguy hại. Tôi ủng hộ xã hội không vui không buồn”.

Cô Li lên chỉnh micro, giở đàn ra chơi bài “Lý Chuồn Chuồn”, rồi nhún chân “em chào xã hội vui vẻ ạ”.

Gầy béo

Sáng ra Cụ Hinh chả có sáng kiến gì hơn, lại ra hàng phở rẻ tiền đầu ngõ.

Quán hàng nhỏ, khách ngồi san sát. Người xứ giọng rất khoẻ, cho nên họ tâm sự theo kiểu “tôi nói, kệ đồng bào nghe nha”.

**

Đôi bạn ngồi ghế bên đã ăn lượt phở xong rồi. Anh chàng âu yếm bảo bạn gái “nếu muốn, em cứ ăn thêm bát nữa đi”.

“Thôi, em sợ béo lên, kém đẹp đi.”

“Anh nghĩ vẻ đẹp tinh thần quan trọng hơn. Đói, là rồi mình cằn nhằn, mệt đấy.”

“Thôi ạ.”

“Em không bị béo tinh thần, là được mà.”

Nhìn Cụ Hinh mỉm cười không lý do, hai bạn chợt im lặng đứng dậy ra trả tiền.

Chuyện đánh dấu chữ

Ông Pháp Đàn mời trà Cụ Hinh.

Nói chuyện hồi lâu, ông Pháp Đàn bảo.

“Tôi thấy.. Cụ Hinh đừng giận nhé, Cụ Hinh nói tiếng tây vẫn còn thỉnh thoảng đánh dấu chữ cứ như là tiếng Việt…”

“Vâng, thế nào mà chả có thế ạ, tôi vẫn là made in Vietnam mà.”

“Thế nhưng Cụ Hinh vẫn còn thua xa cô bạn gái Việt của tôi.

Cô ấy á, cô ấy đánh dấu lại hết các chữ gốc ngoài Việt đã đành, mà tiện đánh dấu lại hết luôn cả các chữ Việt nào nữa vướng mắc ở trong bài cô ấy hát.”

“Thế nữa cơ ạ? Làm gì có chuyện??”

“Đây nhé, cô ấy dạy tôi hát thế này..
‘khóa hóc Liên Sô
ngày nay tiên..iến bộ
nhiều
Ga Gá Rỉn
bay ơ vào
vú ơ tru ú u u
chát chát chình chình í a i ỉ à..’

Cụ Hinh mất toi cả gói musoa giấy lau mắt với sổ mũi.

Bình tĩnh trước bão

Ông Luống phó phường gặp Cụ Hinh ở đầu ngõ “tôi đang lo lắng quá đi..”

“Chắc không phải vì chuyện đá bóng bữa mai?”

“Đúng chuyện ấy chứ ạ! Tôi sợ rồi bà con trong phường nháo nhác, đã khó quản, lại còn tự mệt sức hại công việc chung.”

Cụ Hinh mỉm cười “có cách này chăng”.

“Sao cơ ạ?”

“Bác vận động làm sao để cho vào giờ đá bóng chung kết U23 2018 này thì mỗi bà con trong phường đều có một quả cam cầm sẵn ở tay phải, và một cốc sạch cầm sẵn ở tay trái.”

“Dạ.. tôi vẫn đang bị hồi hộp quá ạ..”

“Bác dặn dò rằng mỗi khi bị mất bình tĩnh, bà con nghiến răng và một tay bóp quả cam.

Và để khỏi phí phạm thì tay kia hứng cốc sẵn ở dưới.

Như thế thì đến cuối giờ bà con vừa hết bị stress tỉnh queo, mà vừa có nước cam uống để hồi sức thần kinh.”

Chì sĩ

Cụ Hinh dạo phố thế nào bắt gặp cụ Chì đang ngồi hàng nước trà nhai kẹo lạc, rồi được cụ Chì kéo ngồi xuống cùng.

“Cụ Chì vẫn khỏe mạnh nhai được kẹo lạc ạ?!”

“Cụ Chì cười tươi, giục ăn chiếc kẹo lạc cùng.

“Lâu nay cụ Chì có viết thêm gì không ạ?”

Vừa hay, bà chủ hàng nước trà kẹo lạc ra lại hàng, đứng tuổi nhưng nhanh nhẹn “chào anh”.

Cụ Chì tủm tỉm.

“Lý luận, chả ăn thua gì, vịt khỏe hơn nước đổ đầu.

Bà Chì của Cụ Hinh đấy, bà ấy cứ nước trà kẹo lạc thôi, bà ấy bảo tôi ‘vứt hết các của nợ lý sự ở xứ đây đi, ngồi trông hàng với em, thế là vui vẻ một đời người đi qua.’

“A.. vâng.. chào chị nhà ạ..”

“Chào Cụ Hinh, có nghe ông Chì kể chuyện ạ, mà hôm nay mới gặp mặt đấy nhé! Người nhà cả, nước trà đây, kẹo lạc đây, hai ông trông hàng, tôi vào nhà đặt cơm nhé!”

Chữ nghĩa

Ông Pháp Đàn hỏi chuyện.

“Tôi đọc sách báo thấy nói chữ Việt ‘đồng bào’ thật là hay, Cụ Hinh ạ. Có người giảng giải thêm rằng đấy là chữ hay nhất của loài người khi nói rằng ai ai cũng từ cùng trong một bọc trứng mà ra.”

“Vâng, tôi cũng có nghe nói đến ạ.”

“Đây là chữ Việt gốc?”

“Vâng, chữ Việt.”

“Thế Trung Hoa có chữ khác à?”

“Trung Hoa thì có chữ đọc na ná là ‘tòng pào’ ạ.”

“Thế nghĩa của ‘tòng pào’là thế nào?”

“Dạ, là ‘đồng bào’ ạ.”